THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 46
Số lượt truy cập: 8812957
QUẢNG CÁO
Giới thiệu 10/15/2022 9:34:38 AM
Trải qua nhiều biến động và thăng trầm của lịch sử, do ảnh hưởng của chiến tranh, của nhiều cuộc vận động di dân ở nhiều thời kỳ, nền văn hoá Quảng Bình cũng như Lệ Thủy là khu vực giao thoa giữa văn hoá bản địa và các yếu tố văn hóa hai miền Nam - Bắc (văn hoá Bàu Tró - Sa Huỳnh, Đằng Ngoài - Đàng Trong, Đại Việt - Thăng Long, Phú Xuân - Chăm pa).

Xuất phát từ văn hoá làng, sắc thái nông nghiệp trong nền văn hoá Lệ Thủy được phản ánh trong các điệu dân ca, thể hiện các mặt sinh hoạt, vui chơi giải trí, lao động sản xuất khá phong phú và đa dạng. Ta có thể thấy ở Lệ Thủy (phía nam sông Gianh) có hò khoan, hò giã gạo, vè, lý, hò năm mái.

Ở đây chúng tôi tập trung giới thiệu những làn điệu hò khoan độc đáo của Lệ Thủy, nơi mà cuộc sống nông nghiệp chiếm đại đa phần.

Hò khoan xuất xứ từ thể thoại thơ lục bát hoặc lục bát biến thể, hoặc từ thể thơ song thát lục bát. Hò khoan cũng kết hợp với lối kể vè, tự sự, cho nên có những câu hò gồm ba chục đến năm chục chữ.

Kết cấu một điệu hò khoan có hai bộ phận; Người xướng câu hò, gọi là bên “cái”, người phụ họa gọi là bên “con”, câu phụ họa gọi là câu “xố”. Ví dụ:

- Câu hò lục bát:

Cái hò: Trách trời nổi trận phong ba

Con xố: Ơ... lạ hố!

Cái hò: Thiếp liệu mình thiếp

Con xố: Ơ khoan... lạ hố... là khoan

Cái hò: Quyết chèo qua rước chàng

Con xố: Ơ... lạ hố!

- Câu hò lục bát biến thể:

Cái hò: Lạy trời cho tôi đậu thám hoa

Con xố: (..........................)

Cái hò: Trờ về đền công cho hậu

Con xố: (..........................)

Cái hò: Đã có lòng chèo qua còn sông này

Con xố: (........................)

- Câu hò song thất lục bát :

Cái hò: Nãy hỡi em ơi! tổ quốc ta có rừng vàng biển bạc, có ruộng lạc cấy cày, có đê dày chống lũ, có ca dao ngạn ngữ, có chuyện cũ Sơn Tinh, có nhân tình Nguyễn Trãi, cho ta thêm thân ái, cho ta tin mãi tổ quốc vĩ đại... em ơi!

Con xố: ( .........................)

Cái hò: Tuổi thanh xuân khi ta bước vào đời, tổ quốc dang tay vẫy gọi...

Con xố: (........................)

Cái hò: Non nước mây trời bay cao

Con xố: (........................)

Trong tất cả các câu hò, dù kết cấu như thế nào, cũng có ba lần xướng, giống như lối ngắt câu trong văn viết ba lần: Lần đầu ngắt ở câu âm bằng, lần thứ hai ngắt ở câu âm trắc giữa từ cuối, lần ba ngắt hết cũng ở âm bằng.

Hò khoan đối đáp Lệ Thủy đạt đến trình độ điêu luyện về ngôn từ, luyến, lái, láy... đồng thời đạt đến mức độ tinh vi cả về ngữ nghĩa, phương ngữ, Hán ngữ mà nghệ thuật diễn xướng, nhạc điệu vẫn không hề ảnh hưởng. Những thủ pháp chơi chữ kể cả lối chơi chữ dân gian của nhà nho đều phổ biến trong loại hò khoan Lệ Thủy.

Về luyến lái, Ví dụ:

Con cá đối nằm trên cối đá

Con mèo cụt nằm ngã mút kèo

Trai nam nhi anh mà đối được, em xin theo về cùng.

Câu hò đã sử dụng ngôn ngữ địa phương để nói lái ngược từ, tạo nên nghĩa mới, cá đối nói lái cà cối đá, mèo cụt nói lái là mút kèo. Như thế đã là khó giải, nhưng chưa khó bằng toàn bộ câu hò, hai vế đối không những là đối về luyến, lái mà đối cả ẩn nghĩa mô tả hai hoàn cảnh trái ngược, cái nguy hiểm và cái bình thản: nằm trên cối đá và nằm ở mút kèo của mái nhà! Thực là tài tình, tưởng như khó lòng mà đối ngay được. Ấy thế mà nghệ nhân hò khoan chỉ sau mấy giây đã hò đối lại:

Con tắn (rắn) hổ mang nằm trong tổ hắn

Cây cau tươi đứng trước cươi (1) tau

Trai nam nhi đã đối đặng, theo nhau ta cùng về

(Tắn hổ mang nói lái là tổ hắn

Cau tươi nói lái là cươi tau (sân nhà tao)

Hoặc câu hò khác:

Nữ hò: Cá có đâu mà anh ngồi câu đó

Biết có không mà công khó anh ơi

Anh ra đây em  chỉ cho một nơi cá nhiều

Nam đáp: Anh ngồi đây ngày đôi ba lượt

Anh biết mất công mong cất con cá diếc lên

Để đem về đặt một bên con cá tràu

Hai câu trên thoạt nghe thì chưa thấy gì hay ngoài lối nói lái tài tình, nhưng câu hò đối lại khi vừa kết thúc thì mọi người mới hò reo: nói ẩn chứa gây trêu chọc, gây cười một cách tài hoa và hài hước trong nghệ thuật hò đối đáp vô cùng đặc sắc.

Hay là:

Nữ hò: Nực cười ba cậu thợ may

Nhận hàng móc đó biết mấy ngày cho xong?

Nam đáp: Lụa chưa may nên anh còn trãi đó

Chừ anh xin nói nhỏ với cô ba

Cô ưng may lưng hẹp hay rộng tà

Hay ướm vô cho anh thử rồi cởi ra cho anh làm ...

Về đề tài hài hước, chọc ghẹo giữa nam thanh nữ tú thì chẳng cần nói lái mới gây cười, mà cách diễn đạt theo lối xách mé bình thường cũng gây vui nhộn, một sự vui nhộn ân tình chứ không rẻ tiền, hạ cấp.

Cũng có nhiều câu hò đột biến trong khi diễn  xướng, đạt trình độ cao về nho học, nhưng thật ra cũng rất dân dã, khi nghệ nhân hò kết hợp Hán tự với thổ ngữ để hò đối đáp.

* Ví dụ:

Nữ hò:

 Con rắn hổ đất leo cây thục địa

Con ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên

Trai nam nhi anh mà đối được

Em xin kết duyên sắt cầm

Địa là đất, thiên là trời. Chữ liền với nghĩa, vế trên đối với vế dưới nghe qua tưởng câu đối của các cụ khoa bảng, nhưng suy cho cùng nó lại rất quen thuộc, rất dân dã  vì những loại thực vật, động vật như cây thục địa, cỏ chỉ thiên, rắn hổ đất, con bọ ngựa là những thứ mà nhân dân ở cử ở nông thôn hay thành thị đều nghe nói đến hàng ngày.

Người hò trước ra một câu đối như trên đã là tài, là khó, nhưng dù sao họ cũng ở thế chủ động khi xướng lên một cách có chủ ý. Đến lượt người phải bị bắt buộc đối đáp trực tiếp, tại chỗ chỉ sau một nhịp chày giã gạo, mới thật là tài tình, còn tài tình hơn một bậc:

Nam hò đáp:

Con ngựa ô xuống nước hồ mã

Con gà nổ mổ cả nong kê

Trai nam nhi anh đà đối được

Bậu hãy theo về với anh

Ngựa là nghĩa của chữ mã, mã cũng gọi là ngựa. Gà là nghĩa của kê, kê cũng gọi là gà. Câu ra và câu đối khá chặt chẽ về luật đối, cũng chính xác giữa chỗ lắt léo bên chữ, bên nghĩa. Câu hò ra đã đi từ dân gian đến bác học mà câu đối lại cũng không kém phần sắc sảo. Nhưng loại động, thực vật ở câu ra đều là những thứ quen thuộc trong dân gian thì ngựa ô, gà nổ, nong kê, nước hồ mã cũng không có gì là lạ với cộng đồng làng xã.

Thật là lạ, các bậc "thầy hò" nói trên không phải là người có học cao, thậm chí không học, nhưng mỗi khi hò với nhau, họ dường như xuất thần mà nẩy ý:

- Nữ hò hỏi: Em nấu một nồi cơm, cơm thơm bát ngát, đơm đầy ra bốn bát, thầy một bát, mẹ một bát, anh một bát, em một bát. Sách có câu tứ bát tám nhì. Trai nam nhi anh mà đối được, vậy thì em thua.

- Nam hò đáp: Cây rau ngủ, nằm trên bụi ngủ, thầy ngủ, mẹ ngủ, anh ngủ, em ngủ, sách có câu tứ ngủ nhị nhi. Trai anh đây đà đối được, hơn thua suy tính làm chi em nờ!

Hoặc: - Nữ hỏi: Thúng bánh nhiều sao anh kêu là bánh ít, cá bày (dọn ra) tràn chợ sao anh bảo cá thu? Lòng sáng sủa hay mây mù mà ngược xuôi xuôi ngược như quả cù không chân?

- Nam đáp: Đá không chân em nói là đá nhảy. Cát không mồm mà em  bảo cát hà. Tưởng em ăn nói thật thà, củ năn Hải Hạc em gọi là nhân sâm.

Hoặc:

- Nữ hò hỏi: Con sông, con rùa, con cua, con rồng

Anh mà đối đặng sẽ làm chồng của em

- Nam đáp: Con cáo, con sóc, con cóc, con sáo

Trai nam nhi anh đà đối được, được làm chồng em chưa?

Hoặc: Nữ hò hỏi: Con rắn không chân mà hắn đi năm rừng bảy rú. Con gà không bụ (vú) mà nuôi đặng chín mười con. Trai nam nhi anh mà giải được, em xin làm hầu non đến già.

Nam đáp: Con rắn không chân có cái thân dài uốn éo. Con gà không bụ có đôi cánh khéo ấp con. Trai nam nhi anh đà đối được, hầu non xin rước về.

Tóm lại, hò đối đáp bao gồm nhiều mặt của cuộc sống, từ chuyện tình đôi lứa đến đối chữ đối nghĩa, từ nói lái đến sử dụng cụm từ lắt léo, từ nói lặp đến nói vần đều được sử dụng và còn đề cập đến cả đạo lí nhân nghĩa. Có thể xem hò đối đáp là một đặc trưng độc nhất vô nhị của hò khoan Lệ Thủy.

Rút trong tập Địa chí Lệ Thủy

TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
Hoàng Tấn Đông - HT- 0914392005
Hoàng Tấn Đông - HT- 0914392005
Võ Thị Nhàn - Admin-0848999745
Võ Thị Nhàn - Admin-0848999745
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG THCS HƯNG THỦY - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.959031 - Email: thcshungthuy@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com