
Chiều
hôm nay, lang thang một mình trên sân trường, ngắm nhìn lác đác một vài chiếc
lá vàng rơi. Đâu đó một vài chùm quả chín vàng cuối thu đang lấp ló nhìn tôi
qua kẻ lá. Lòng bâng khuâng khó tả, vui buồn lẫn lộn. Bất chợt kĩ niệm tràn về
…
Ngày
đó, tôi là một cô bé 11 tuổi, ngày ngày cắp sách đến trường….. Tôi đã từng ước
mơ sau này lớn lên sẽ trở thành cô giáo. Và giờ đây mơ ước nhỏ bé đó của tôi đã
trở thành hiện thực. Tôi trở thành một cô giáo làng đã gần hai mươi năm rồi
đấy. Có lẽ thời gian đó không quá dài nhưng cũng chẳng ngắn để chúng ta cảm
nhận về một con đường mình đã chọn. Không chỉ vì tôi yêu nghề mến trẻ mà tôi
chọn làm nghề giáo vì tôi đã từng cảm nhận và tự hào về Cô- đó là cô giáo chủ
nhiệm lớp 5C của tôi.
Cô tôi
là một người rất đơn giản, dáng người mảnh
khảnh, làn da sạm nắng và nụ cười rất tươi. Hình ảnh ấy với tôi đẹp đến kì lạ.
Cô đã chủ nhiệm và dạy văn lớp tôi cả năm học. Và đó cũng là khoảng thời gian
tuyệt vời nhất đối với tôi. Cô là một người rất tận tụy, giảng bài rất chu đáo.
Khi cô giảng bài, giọng nói ấm áp, truyền cảm của cô đã thu hút chúng tôi vào
bài học. Cô giảng giải, phân tích từng chi tiết nhỏ nhất của bài học, cho học
sinh cảm nhận ý nghĩa của từng chi tiết đó rồi phát triển thành những lời văn
sâu sắc, đầy ý nghĩa. Nhờ những bài giảng của cô mà chúng tôi thấy cuộc sống
thêm thú vị hơn, ý nghĩa hơn. Chắc có lẽ chính nhờ vậy mà cô luôn được học sinh
chúng tôi quý mến.
Vào năm học, tôi vui sướng biết bao khi được cô làm chủ
nhiệm. Trong vai trò chủ nhiệm, trông cô nghiêm túc hơn. Khi lớp hạng cao, cô
khuyến khích, khen thưởng, mỗi lần lớp hạng thấp, cô nhắc nhở, động viên lớp cố
gắng hơn. Tiết chủ nhiệm luôn là tiết nặng nề nhất, bởi tiết đó luôn khiến các
bạn khác lo sợ vì bị mắng. Nhưng với lớp tôi, giờ chủ nhiệm lại được nghe những
câu chuyện hay, ý nghĩa trong cuộc sống. Tôi yêu những câu chuyện đó vì nó luôn
giúp chúng tôi rút ra được những bài học quý giá cho riêng mình. Có lẽ vì vậy mà
cô kì vọng vào tôi trong kì thi HSG môn Văn năm ấy. Tôi tự hứa mình phải cố
gắng hơn, mình phải đạt giải để cô không thất vọng. Nhưng tôi đã thất bại.
Những tưởng cô sẽ la mắng tôi, trách móc tôi, nhưng không. Tôi vẫn nhớ mãi câu
nói động viên của cô: “ Cho dù các em thi không đạt giải cũng đừng buồn, vì các
em còn nhiều cơ hội khác.” Nhưng thật sự cô càng khuyến khích thì tôi lại càng
thấy lòng ray rứt hơn. Tôi đã tự hỏi với lòng mình tôi đã cố gắng hết sức chưa,
tôi đã tập trung vào môn văn chưa? Mặc dù vậy, cô vẫn không hề la rầy, trách cứ
tôi một lời nào mà vẫn dịu dàng động viên, an ủi tôi. Chính điều đó sẽ là động
lực cho tôi bước tiếp và cố gắng, nỗ lực hơn nữa trên con đường học vấn của
mình…
Và cũng vào thời khắc giao mùa này, ngày hôm đó cả lớp tôi
bủn rủn chân tay khi nghe tin hôm qua cô đi dạy về qua sông thì bị chìm đò.
Nhưng rất may được mọi người cứu kịp thời và đã đưa đi bệnh viện. Hôm ấy, mưa
lũ ngập trời, chúng tôi kéo nhau đi thăm cô như bầy vịt vừa dầm mưa đến. Bất
ngờ và không dấu nỗi xúc động hai khóe mắt cô rưng rưng. Cô kể lại cho chúng
tôi nghe chuyện chìm đò. Cô bảo “ không phải chuyến đò nào cũng đưa khách an
toàn đâu em ạ, ngoài năng lực trình độ của người cầm lái còn có ý thức của
khách sang sông nữa”. Câu nói đó thấm dần vào tôi từng câu chữ. Gần 20 năm
đứng trên bục giảng, làm người lái đò đưa lũ trò nhỏ qua một quãng đường trong
biển cả tri thức, đôi khi áp lực làm thế nào để truyền tải đến các em những
kiến thức chính xác, nhưng phải thật dễ hiểu để các em hiểu và nhớ thật lâu
khiến tôi còn trăn trở. Mỗi lần như vậy, tôi tự rút ra những bài học kinh
nghiệm và khẽ mỉm cười vì mình đã góp phần mở ra chân trời rộng lớn hơn đối với
những tâm hồn trẻ thơ đầy háo hức khám phá bến bờ tri thức. Tôi nhận ra rằng
những tâm hồn bé bỏng ấy cần tình yêu thương của người thầy biết mấy. Và đặc
biệt tình cảm của học trò là động lực to lớn nhất để chúng tôi bước tiếp trên
con đường đã chọn. Bên cạnh đó, ý thức học tập của trò cũng là yếu tố rất quan
trọng. Tính tự chủ, tự giác trong học tập là
phải biết tự điều chỉnh hành vi trong học tập, tự chiếm lĩnh tri thức đó chính
là điều cơ bản, là tiền đề, là hành trang bước vào cuộc sống tương lai của mỗi
học sinh.
Ngẫm
lại, bao năm chèo lái, dẫn dắt bao thế hệ học trò, tôi cũng đã vững vàng đưa
các em cập bến an toàn. Chia tay nhiều thế hệ học trò, tôi cứ ngỡ sẽ khó có thể
gặp lại. Đang miên man trong dòng kí ức, bỗng nhiên cảm giác bất ngờ, vỡ òa
trong niềm hạnh phúc khi những cô bé, cậu bé năm xưa quay lại tìm tôi, cầm trên
tay bó hoa tươi thắm khẽ thưa: "Chúng em chúc cô có một ngày 20-11 vui
vẻ!". Thật hạnh phúc, tôi ôm chặt lũ trẻ như để chắc rằng niềm hạnh phúc
ấy là thật. Tôi tin lũ trẻ của tôi đã dành cho cô giáo của chúng những tình cảm
chân thành nhất, không cao sang, không cầu kì. Chúng thi nhau kể chuyện này
chuyện nọ và kèm theo những trận pháo cười như vỡ cả sân trường. Cuộc trò
chuyện của chúng tôi không quá dài nhưng đủ để tôi nhớ mãi. Nó đã trở thành
miền kí ức đẹp nhất mà tôi không thể quên trong suốt cuộc đời dạy học của mình.
Giờ đây,
không khí của ngày hội dành cho các Nhà giáo lại rộn ràng, tôi thầm biết ơn
những thầy cô giáo đã dạy dỗ, dìu dắt tôi nên người. Họ đã hi sinh cả cuộc đời
cho thế hệ trẻ. Chính vì thế khi đã trở thành người giáo viên nhân dân, tôi
mong mình sẽ giữ mãi lòng nhiệt huyết và sự sáng tạo trong sự nghiệp trồng
người của mình. Và đâu đó nhịp khúc tâm hồn vang lên:
“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Ai cũng bảo là nghề cao quý nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Mang cho đời những đóa hoa thơm….