Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) là bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan theo đường hô hấp, hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh đặc hiệu và chưa có thuốc đặc trị.
Tuy vậy, vẫn có thể phòng ngừa. Mọi người dân không được chủ
quan nhưng không nên quá hoang mang, lo lắng.
Lần đầu tiên virus
Corona mới được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung
Quốc nên được gọi là “Virus Vũ Hán”, được ký hiệu là 2019-nCoV hoặc nCoV. Trên
báo chí quốc tế, người ta thường dùng chữ “coronavirus” như một danh từ chung
để chỉ loại virus mới này.
Đường lây truyền bệnh
Đường lây truyền
bệnh nCoV ban đầu xuất hiện từ động vật mang mầm bệnh nCov lây truyền cho con
người, nhưng sau đó lại có khả năng lây lan từ người sang người. Ở người, virus
lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người
bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt
tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm. Bệnh lây theo đường hô hấp nên
nCoV có thể lây qua không khí bởi các giọt nước bọt nhỏ li ti do người bệnh
hoặc người đang mang mầm bệnh bắn ra bởi khi họ nói, ho, cười, hắt hơi hoặc lây
qua dụng cụ bị lây nhiễm nCoV.
Đối tượng dễ bị lây nhiễm
nCoV trước hết là những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoặc người khám
chữa, chăm sóc hoặc thăm nuôi người bệnh nhiễm nCoV hay người đang sống trong
vùng dịch, người đi từ vùng dịch trở về hoặc những người đã và đang chung sống,
tiếp xúc với người từ vùng dịch trở về mà trong người đã bị nhiễm nCoV. Ngoài
ra, những người đi cùng phương tiện giao thông (ôtô, máy bay, tàu hỏa...) với
người mang mầm bệnh nCoV hoặc những người làm việc ở các cảng hàng không, ga
tàu hỏa, ga tàu điện ngầm, bến xe có tiếp xúc với người mang mầm bệnh nCoV đi
qua cũng dễ bị lây nhiễm.
Triệu chứng điển hình khi nhiễm nCoV
Thời
kỳ ủ bệnh của nCoV khoảng 14 ngày, sau đó bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng
điển hình là sốt, ho, khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 - 14
ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi bệnh khởi phát, bệnh có thể diễn biến
đến viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có
bệnh mạn tính, tuổi cao, suy giảm miễn dịch (mắc bệnh AIDS, người đang dùng
thuốc điều trị ung thư...) thì khả năng bệnh dễ tiến triển nặng.
Bởi vì căn nguyên gây viêm phổi là do virus
cho nên không có loại kháng sinh nào có tác dụng diệt virus. Cách tốt nhất vẫn
là nhập viện theo dõi.
Nguyên tắc phòng bệnh
Để phòng bệnh, cần
phòng từ xa, nghĩa là những người về nước từ vùng dịch, nhất là Trung Quốc, đặc
biệt từ thành phố Vũ Hán cần phải khai báo cho cơ quan chức năng ngay từ khi
đặt chân đến nước ta và phải cách ly, theo dõi sức khỏe của họ thật nghiêm
ngặt. Tại các địa điểm tiếp đón khách đến hoặc về nước cần kiểm tra thân nhiệt
ngay từ sân bay, nhà ga, bến xe, bến tàu..., nếu có nghi ngờ, cần cách ly và
theo dõi thật nghiêm ngặt. Những người tiếp xúc với người từ nước ngoài có dịch
bệnh nCoV về nước cần đeo khẩu trang. Gia đình, làng xóm có người từ nước đang
bị dịch bệnh nCoV về nước cần hạn chế tiếp xúc với họ và nếu phải tiếp xúc cần
đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Đặc biệt, những
người trở về từ thành phố đang có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người nhiễm
nCoV, trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y
tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Đối với các gia
đình, trường học vệ sinh sàn nhà, dụng cụ, đồ chơi, tay vịn cầu thang bằng xà
phòng, dung dịch sát khuẩn và rửa tay bằng xà phòng hàng ngày. Với mọi người,
cần giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc
họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi. Cần che miệng và mũi
khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán
các dịch tiết đường hô hấp. Khi ho, hắt hơi, hãy che kín miệng và mũi bằng khăn
giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy, cần bỏ vào thùng rác rồi rửa tay
sạch sẽ. Tránh đi lại, du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở. Tránh tiếp xúc
với người bị sốt, ho. Khi phát hiện dịch bệnh, cần thông tin cho cơ quan y tế,
chính quyền địa phương để giám sát, xử lý, ứng phó với dịch bệnh, không để dịch
bùng phát, lây lan.