
Bố tôi là bộ đội, chính
trị viên, công tác xa nhà. Nên tuổi thơ tôi được ở gần bố rất ít. Tuy thời gian
ấy không dài nhưng tôi vẫn cảm nhận được rất rõ phong cách người lính trong
ông.
Thửa bé tôi không được
ở gần bố. Một năm có khi là vài năm mới được gặp bố một lần vào dịp bố nghỉ
phép, nhưng chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để tôi tự hào về bố của mình.
Mẹ sinh mấy anh em tôi
khi không có bố bên cạnh nên mỗi lần gặp
bố tuy vẫn gọi bố nhưng tôi rất lạnh
nhạt với ông. Người nào bảo tôi là con ông thì tôi ghét ghê gớm. Vì tự nhiên trong
nhà có thêm một người đàn ông lạ mà mẹ tôi dành nhiều thời gian chăm sóc. Hai
tuần bố về phép tôi không gần gũi bố như những đứa trẻ bình thường khác mà lúc
bố ở nhà trên thì con xuống nhà dưới. Bố xuống nhà dưới tìm thì con lại lảng
lên nhà trên. Không biểu hiện ra nhưng chắc là bố buồn lắm. Còn gì buồn hơn khi
qua bao ngày nhung nhớ mà không nhận được sự gần gũi thân thương của con mình.
Thế nhưng ngày trở lại đơn vị ông vẫn ôm chầm lấy anh em tôi, dặn chúng tôi
phải chăm ngoan và biết giúp mẹ. Bố nói tính bướng bỉnh của chúng tôi là ảnh
hưởng “cái gen” quân đội từ bố.
Tôi là đứa trẻ thật sự
ham chơi hơn ham học mà lại có thêm cái tính hay quên. Những gì cô giáo nói hôm
trước, hôm sau tôi không thể nhớ nổi. Lúc đó mẹ tôi thường hay nói: Sau này lớn
lên cho đi bộ đội để rèn tính cẩn thận như bố. Quả thật bố tôi là người rất cẩn
thận và có lối sống rất kỉ luật. Tất cả các công việc ông đều làm rất ngăn nắp.
Ông lập cho tôi một thời khóa biểu học tập và vui chơi theo giờ giấc và kèm
theo đó là hình phạt nghiêm khắc giống như một người lính. Chính vì vậy mà tôi
đã biết sắp xếp góc học tập của mình ngăn nắp và dần dần tiến bộ. Tôi không còn
cẩu thả và hay quên như trước. Với mỗi việc mình làm tôi đều có ý thức phải
hoàn thành xong mới đi chơi. Mỗi tuần bố về một lần và anh em tôi phải lập một
bản báo cáo rõ ràng để ông kiểm tra. Ông còn dạy chúng tôi phải biết yêu thương
và giúp đỡ mọi người xung quanh. Những năm tháng gần bố không nhiều nhưng với
cách giáo dục ấy tôi đã dần dần trở thành một người mạnh mẽ hơn.
Giờ đây bố đã hơn 60
tuổi và đã nghỉ hưu. Tuy vậy lối sống và cách sinh hoạt của ông không khác gì
so với những ngày còn trong quân ngũ. Ông dậy sớm tập thể dục, chăm sóc vườn
hoa cây cảnh, giao lưu với các cụ già trong hội hưu trí. Tham gia vào hoạt động
của thôn, xóm. Bao năm qua bố vẫn làm việc và cống hiến không mệt mỏi cho đời.
Điều đó làm cho tôi càng thấy sự nỗ lực phấn đấu của mình còn rất nhỏ nhoi và
xấu hổ vì đôi lần tôi đã định buông xuôi trước những khó khăn của cuộc sống.
Tôi nhớ mãi lời bố dặn “ Những khó khăn trong cuộc sống đời thường cũng khắc
nghiệt không kém chiến trường. Muốn đứng vững được thì bản thân mình phải có
một trái tim giàu lòng yêu thương với tinh thần vững vàng gan thép của một
người lính”.
“Cả cuộc đời cha đi bộ
đội. Quà về cho mẹ là mái tóc pha sương”.
Tuổi trẻ của ông luôn
gắn cùng đơn vị chỉ đến khi về hưu ông mới được sống với gia đình. Tuy cao tuổi
nhưng bố tôi vẫn là tấm gương sáng cho anh em tôi học tập. Có thể nói sự vững
vàng của tôi hiện nay là nhờ vào cách giáo dục cứng rắn nhưng hợp lí của bố
tôi- một sĩ quan quân đội. Hằng năm khi ngày 22/12, anh em tôi lại mua hoa về
chúc mừng bố. Qua những bông hoa ấy tôi muốn gửi đến bố – Người lính Cụ Hồ một
tình cảm biết ơn và tự hào sâu sắc nhất.